Học thư pháp thành tài Vương_Hi_Chi

Thời thơ ấu

Hình Vương Hi Chi do họa sĩ Tiền Tuyển (钱选) thời Nguyên vẽ.

Từ nhỏ, Vương Hi Chi không giỏi biện thuyết, không tỏ ra có biệt tài gì, chỉ say mê thư pháp. Năm lên 7 tuổi ông đã theo Vệ phu nhân học chữ. Gia đình Vệ phu nhân vốn có truyền thống thư pháp: cha là đại thần Vệ Quán nhà Tây Tấn cùng anh trai bà là Vệ Hằng[6] đều là những nhà thư pháp có tiếng đương thời.

Năm lên 11 tuổi, vô tình có lần ông thấy dưới gối cha có cuốn sách nói về nghệ thuật thư pháp của đời trước, Hi Chi bắt đầu chú ý. Nhân lúc cha ra khỏi phòng, Hi Chi thường vào lấy sách đọc trộm. Cha ông nghi ngờ nhưng chưa rõ con mình vào làm gì. Về sau, mẹ ông biết chuyện, khuyên đợi khi nào lớn cha sẽ truyền thụ cho. Hi Chi đáp rằng:

Con đã hiểu tường tận điều trong sách rồi, đợi khi con lớn e rằng đã muộn

Cha Hi Chi thấy con còn nhỏ đã có chí, bèn dạy con học. Chỉ qua thời gian ngắn, thư pháp của ông đã tiến bộ vượt bậc. Vệ phu nhân xem chữ ông viết, nói với Vương Sách rằng:

Vương Hi Chi chắc chắn đã xem cuốn Dụng bút quyết[7], tôi thấy thư pháp của nó đã có cái trí của bậc lão thành rồi! Thằng nhỏ này sau ắt thành danh, chỉ e tên tuổi mình bị nó làm phai mờ thôi!

Sau đó, Hi Chi theo học người chú là Vương Tốc cũng là một nhà thư pháp giỏi.

Khi trưởng thành

Lớn lên, Vương Hi Chi rất khâm phục bút pháp Công Khải thư của Chương Thảo mà nhiều người cho rằng kỳ diệu nhất khi đó. Ông đi chu du nhiều nơi, gặp các nhà thư pháp nổi tiếng khi đó như Lý Tư, Chung Dao, Trương Sưởng, Trương Chi...[8], thay đổi dần những hạn chế của mình và tiếp thu những tinh hoa của những người đi trước.

Trong số những người đã gặp, ông học được nhiều nhất ở Chung Dao và Trương Chi. Tiếp thu từ Chung Dao - người được coi là ông tổ của cách viết chữ Khải – Vương Hi Chi lược bớt những tồn tại của chữ Lệ, "thêm bớt xương thịt", nhấn mạnh vào nhuận sắc và "uyển thái nghiên hoa". Cách viết của Vương Hi Chi đã tạo ra một thể độc lập, khiến mọi người cho rằng thư pháp thời trước ông đều phế bỏ, thư pháp hiện tại do ông sáng lập[9].

Tiếp thu từ Trương Chi, ông khắc phục sự rời rạc, đứt đoạn giữa các chữ, khiến cho chúng trong nét đậm có nét mờ, nét gập; hoà tình cảm vào nét bút, nâng nghệ thuật viết thư pháp lên một tầm cao mới và được lưu truyền rộng rãi thời Đông Tấn.

Có ý kiến đưa ông ra so sánh với Chung Dao và Trương Chi và kết luận: so với Trương Chi thì hơn hẳn về khoáng đạt, phóng túng; so với Chung Dao thì trầm ổn, kín đáo có thừa. Thư pháp của Vương Hi Chi là kết hợp tinh tế giữa hai trường phái bảo thủ và phóng túng. Sự đa dạng trong thư pháp của ông làm vừa lòng rất nhiều người, đáp ứng được chuẩn mực cao nhất của thư pháp[9]. Chính vì vậy, ông được người đương thời mệnh danh là "Thư thánh".

Để có sự tinh xảo trong thư pháp, Vương Hi Chi đã không ngừng khổ luyện. Với riêng một chữ "Vĩnh" ()[10], ông dùng tới 15 năm để luyện. Ông mải luyện tập tới mức quên ăn, quên ngủ. Người đời sau gọi kỳ tích này của ông bằng câu "dụng tâm thập ngũ niên, thủy công nhất vĩnh tự" (用心十五年始工一永字) với ý nghĩa "dụng tâm ròng rã 15 năm khởi đầu bằng một chữ vĩnh".